Lịch sử hoạt động HMCS Bonaventure (CVL 22)

HMCS Bonaventure, tên được đặt theo đảo Bonaventure, một nơi trú ẩn của chim trong vịnh St. Lawrence, được đưa vào hoạt động cùng Hải quân Hoàng gia Canada sau khi hoàn tất việc tái trang bị và hiện đại hóa vào ngày 17 tháng 1 năm 1957. Chiếc soái hạm mới của hải quân, thường được gọi một cách trìu mến là "Bonnie", mang theo một lực lượng không quân phối thuộc bao gồm 34 chiếc máy bay tiêm kích phản lực McDonnell Douglas F2H-3 Banshee, máy bay chống tàu ngầm Grumman CS2F Tracker (được chế tạo bởi de Havilland tại Toronto), và máy bay trực thăng Sikorsky HO4S.

Ngay cả khi được tái trang bị, việc hạ cánh một chiếc Banshee rất chật vật trên sàn đáp tương đối ngắn của Bonaventure. Những chiếc máy bay Tracker cánh rộng cũng gặp khó khăn. Dù vậy, nhờ sự chịu khó và hết lòng của thủy thủ đoàn, vào năm 1958 Bonaventure đã có thể duy trì hoạt động không quân liên tục ngày và đêm, giữ cho bốn chiếc Tracker và hai chiếc HO4S luôn ở trên không trung vào mọi lúc, kiểm soát một phạm vi rộng gần 700 km2 bằng máy bay chống tàu ngầm. Điều này đã khiến cho Hải quân Hoàng gia Canada trở thành lực lượng hải quân duy nhất ngoại trừ Hải quân Hoa Kỳ có thể duy trì hoạt động không quân liên tục trên không.

Những chiếc Banshee được cho nghỉ hưu vào năm 1962. Đến năm 1964 kiểu máy bay trực thăng mới CHSS-2 Sea King được bổ sung vào liên đội không quân của Bonaventure. Đến năm 1966, chiếc tàu sân bay vào ụ tàu tại Quebec trải qua một đợt tái trang bị, kéo dài 18 tháng và tốn kém 11 triệu Đô-la Canada. Sau khi thống nhất các Lực lượng vũ trang Canada vào năm 1968, Bonaventure được cho ngừng hoạt động tại Halifax vào ngày 3 tháng 7 năm 1970 và được tháo dỡ tại Đài Loan vào năm 1971. Các linh kiện từ máy phóng hơi nước của Bonaventure được sử dụng để tái chế lại máy phóng trên tàu sân bay Australia HMAS Melbourne.[1]